Biếng ăn là tình trạng rất hay gặp ở trẻ em, ở tất cả các lứa tuổi. Trẻ biếng ăn lâu ngày sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, mà còn hạn chế sự phát triển trí tuệ, thậm chí dẫn đến hậu quả trẻ bị các chứng rối loạn tăng trưởng, rối loạn nhận thức. Vậy bố mẹ cần làm gì khi trẻ biếng ăn, hãy cùng Lebebee tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Dấu hiệu của trẻ biếng ăn
Trẻ biếng ăn thể hiện qua rất nhiều dấu hiệu
Trẻ ăn rất ít và chỉ ăn một số món nhất định (một số bé chỉ ăn 1-2 thìa thức ăn mỗi bữa)
Trẻ không chịu thử những món mới.
Mỗi bữa ăn của bé thường kéo dài trên 30 phút, lượng thức ăn mà trẻ dung nạp mỗi bữa ít hơn so với các trẻ khác ở cùng độ tuổi.
Khi ăn, trẻ hay quấy khóc, ngậm hoặc phun thức ăn…
Xem thêm: Kinh nghiệm chăm sóc trẻ khỏe mạnh cho bố mẹ
Nguyên nhân làm trẻ biếng ăn
Nguyên nhân đầu tiên phải nói tới là do thiếu ăn. Người mẹ khi mang thai thiếu ăn (thiếu sắt, thiếu canxi, thiếu kẽm, thiếu các vitamin...). Dẫn tới trẻ bị thiếu ăn ngay từ trong bụng mẹ và suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Kết quả là trẻ sinh non tháng, thiếu cân dẫn tới lười bú mẹ ngay từ những tháng đầu sau khi sinh. Những trẻ sinh thường, đủ cân có thể lười bú mẹ, bỏ bú mẹ hoặc đang ăn sữa ngoài bình thường tự nhiên giảm lượng ăn hoặc bỏ hẳn sữa ngoài.
Bé có thể biếng ăn do nhiều nguyên nhân tác động
Nguyên nhân thứ hai là trẻ ốm, mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hóa (viêm dạ dày, viêm ruột...). Khi trẻ bị nhiễm khuẩn thì hàm lượng các vitamin và các chất khoáng bị mất đi rất lớn, nhất là vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, Magie, B6, sắt, kẽm làm cho trẻ biếng ăn. Hơn nữa, trẻ bị nhiễm khuẩn thường dùng kháng sinh dễ dẫn đến loạn khuẩn đường ruột cùng với các tổn thương thực thể tại hệ tiêu hoá, nên trẻ bị chướng bụng, khó tiêu, càng dễ biếng ăn.
Cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột cũng làm cho trẻ biếng ăn. Thường một đôi tuần đầu mới ăn bổ sung thì trẻ ăn rất ngon miệng, sau đó trẻ ăn kém dần do nhu cầu vitamin nhóm B (nhất là vitamin B1), Magie bị thiếu hụt.
Một số nguyên nhân khác nữa như trẻ mọc răng, viêm loét vùng miệng, ăn không có giờ giấc, ăn quà vặt, hoặc ăn bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn.
Trẻ biếng ăn có thể do ăn quà vặt nhiều
Do thay đổi môi trường sống: Khoảng thời gian khi trẻ bắt đầu đến trường, môi trường sống biến đổi nhanh chóng khiến bé chưa thể thích nghi, dẫn đến tình trạng sợ sệt, tâm lý căng thẳng, bé sẽ cảm thấy không muốn ăn. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất của trẻ.
Trẻ quá hiếu động: Vì bé quá ham chơi dẫn đến bỏ ăn là nguyên nhân thường thấy nhất ở những đứa trẻ biếng ăn. Sự mất tập trung trong ăn uống bởi những tác động xung quanh dần sẽ thành thói quen gây ra tình trạng lười ăn uống ở trẻ.
Thực đơn món ăn nhàm chán: Khi thực đơn các món ăn lặp lại một cách nhàm chán thì khẩu vị của bé từ ăn ngon cũng chuyển sang ngán ngẩm. Đây là một trong những lý do thường gặp khiến cho trẻ biếng ăn.
Cách giúp trẻ hết biếng ăn
Bố mẹ làm gì khi trẻ biếng ăn
Thiết lập quy tắc bàn ăn: Mẹ hãy ghi nhớ 3 không: không tivi - không đi rong - không đồ chơi. Nguyên tắc này cần được thực hiện nghiêm túc ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm.
Đừng ép buộc bé ăn khi bé không thực sự muốn. Các biện pháp như răn đe, doạ nạt, quát tháo, thậm chí là đánh đập chỉ làm tình trạng biếng ăn của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Đa dạng thực đơn: Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ em Việt Nam rất dễ bị thiếu các vitamin và khoáng chất vì chế độ dinh dưỡng cho trẻ chưa được đảm bảo và đầu tư đúng mức. Mỗi đứa trẻ sẽ có một nhu cầu, sở thích và khẩu vị khác nhau. Một món ăn được trang trí đẹp mắt dễ hấp dẫn trẻ hơn nhiều. Do đó, mẹ hãy bỏ chút thời gian để trình bày các món ăn đẹp mắt một chút vì nó cũng có sức kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Nếu mẹ muốn cho trẻ ăn món mới hãy cho ăn vào buổi sáng vì đây là lúc trẻ đói nhất và cũng là lúc hệ tiêu hóa trẻ hoạt động tốt nhất.
Bố mẹ nên tìm hiểu các cách để giúp bé ăn ngon miệng hơn
Nên cho trẻ ăn cùng gia đình để tạo cho trẻ không khí thoải mái, giúp trẻ có cảm giác ăn ngon miệng hơn.
Bố mẹ không nên cho trẻ ăn vặt: Một tâm lý phổ biến của rất nhiều bà mẹ khi lo lắng cho tình trạng biếng ăn của con là cho con ăn vặt theo phương châm “ăn được tí nào hay tí ấy”. Tuy nhiên, đây là tư tưởng sai lầm, việc mẹ cho con ăn vặt sẽ khiến con mất đi cảm giác đói bụng và không còn muốn ăn trong bữa chính.
Thêm vào đó, các món ăn vặt như bánh kẹo, nước ngọt… không có lợi cho sức khỏe, làm tăng đường huyết, tạo cảm giác “no bụng giả” trong khi thực chất bé vẫn đang đói và thiếu chất dinh dưỡng.
Nên bổ sung men vi sinh để bé có thể hấp thụ hết được thức ăn, tạo cảm giác ngon miệng cho các bữa ăn kế tiếp.
Xem thêm: 5 loại sữa cho bé từ 6-12 tháng tuổi tăng cân.
Mong rằng những thông tin trên đây hữu ích cho bố mẹ trong quá trình giúp trẻ hết biếng ăn. Hãy để Lebebee đồng hành cùng bố mẹ trong việc chăm sóc bé khỏe mạnh nhé!